Lượt xem: 1255

Thạch Đa Ra diễn viên Khmer đa tài

Trong nghệ thuật sân khấu Dù kê và múa Rô Băm, vai chằn (vai ác) được xem là khó diễn nhất, thế nhưng với Thạch Đa Ra - Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng là người rất thành công trong vai chằn và những vai phản diện khác.

    Lớn lên trong một gia đình có 4 đời gắn bó với nghệ thuật sân khấu Dù Kê, cha là Nghệ sĩ ưu tú Sơn Vong và mẹ là biên đạo múa của Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng. Ngay từ nhỏ, Đa Ra đã được cha mẹ truyền nghề, nên khi còn là cậu bé mới vừa học tiểu học, Đa Ra đã biểu diễn vai chằn cho chương trình thiếu nhi tiếng Khmer của Đài truyền hình Sóc Trăng và VTV. Đặc biệt, Đa Ra thường xuyên theo cha mẹ đi biểu diễn ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh, nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong từng vai diễn.

Diễn viên Thạch Đa Ra. Ảnh Sóc Ca

    Năm 2000, khi được tuyển chính thức vào Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, Đa Ra được giao nhiệm vụ đóng vai chằn. Nhờ có năng khiếu biểu diễn, cùng với trang phục, nghệ thuật vẽ mặt chằn, hay phải đội mặt nạ chằn trong nghệ thuật múa Rô Băm, ở trên sân khấu, Đa Ra đã trở thành một hình tượng chằn (người cao lớn), mặc giáp trụ, tay cầm đao, vẻ như có sức mạnh phi thường, đặc biệt là khi hóa trang, vẽ gương mặt hung dữ, mắt trợn to, miệng rộng, răng nanh nhọn lởm chởm … Đối với người Khmer hình tượng chằn là tượng trưng cho cái xấu, cái ác, của nhân vật phản diện, chuyên phá hoại, gây ra nghịch cảnh, đau khổ cho nhiều người.

    Anh Thạch Đa Ra cho biết: Trong các tác phẩm văn học cụ thể là truyện Reamker, hình tượng chằn có một vị trí nổi bật, được người Khmer xem là linh hồn trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê. Chằn trong các loại hình sân khấu, ngoài tác dụng giải trí còn mang ý nghĩa để cầu mưa, xua đuổi dịch bệnh, tà ma và những điều không tốt trong đời sống để được sự bình yên. Hình tượng chằn nói chung tiêu biểu cho cái xấu, cái ác tồn tại trong cuộc sống của con người. Chằn cũng là biểu trưng của những khó khăn trở ngại, nhằm thử thách ý chí con người. Chằn còn thể hiện khác vọng hoàn thiện bản thân và là một biểu tượng nghi lễ trong đời sống tâm linh của người Khmer Nam bộ, do đó tôi rất yêu thích khi được biểu diễn trên sân khấu và đóng vai chằn, đối với tôi chằn đã trở thành một biểu tượng văn hóa mang tính “thiêng”.

    Đối với sân khấu Dù Kê Khmer Nam bộ nói chung, vai chằn chủ yếu là vẽ mặt và quan trọng là phải biết ngậm cái nanh cho chắc trong miệng vì nếu không, khi nói chuyện và hát lời đối đáp sẽ rớt nanh ra ngoài. Đóng vai chằn là phải cử động liên tục, (miệng nói, hát và nhe nanh, đôi mắt thì đảo liên tục, còn tay thì vơ đao, dao, kiếm theo nhịp trống không hề ngơi nghỉ, chân bước lên, bước xuống cùng thân như hướng đến mục tiêu, rồi nhào, vồ đối phương, gây hoang mang lo sợ cho kẻ khác. Còn đóng vai chằn trong tuồng múa Rô Băm thì phải đội mặt nạ chằn, người đóng vai này thường là thanh niên trai tráng to khỏe, nếu không thì không thể diễn tốt được. Cái khó của vai chằn trong tuồng múa Rô Băm là khi đội mặt nạ, mặt nạ chằn có con mắt ở phía trên, nên người đóng vai thì không nhìn thấy mọi thứ ở phía trước mình. Vì thế, mỗi nghệ nhân hay diễn viên khi tham gia vai diễn chằn phải tự mình xác định cho được phương hướng.

    Anh Đa Ra chia sẻ: “Một số tuồng diễn có nhiều vai chằn, nên mỗi mặt nạ chằn đều có những chi tiết khác nhau. Vì thế, việc chế tác các loại mặt nạ chằn cho tuồng Rô Băm đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cao và am hiểu về nghệ thuật sân khấu Rô Băm. Do đó, chế tác mặt nạ nói chung và mặt nạ chằn nói riêng là một nghề thủ công rất cần thiết, nhưng hiện nay, ở Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng chỉ còn rất ít nghệ nhân dân gian Khmer làm mặt nạ này. Theo tôi, nghề làm mặt nạ chằn trong tuồng Rô Băm có nguy cơ mất dần vì không có người kế thừa. Vì lý do này, chúng tôi nghĩ rằng Nhà nước nên có chế độ khích lệ, khen thưởng đặc biệt cho các nghệ nhân lành nghề, hoặc có chủ trương thiết lập cơ sở đào tạo nghề làm mặt nạ. Khuôn viên chùa Khmer, có thể là một trong những nơi thích hợp để lưu truyền nghề này”.

    Không chỉ thành công trong vai diễn chằn trên sân khấu Dù Kê và chằn trong tuồng múa Rô Băm, hiện nay, anh Đa Ra được xem là diễn viên thành công trong vai phản diện của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh. Ngoài ra, anh Đa Ra còn được Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Sóc Trăng mời đến giảng dạy về kỹ năng đóng vai phản diện, vai chằn cho các lớp sơ cấp sân khấu Dù Kê và Rô Băm. Năm 2013, với vai chằn trong trích đoạn “Pro Liêm - Pro Léc” anh Đa Ra đã giành Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu Dù Kê Khmer Nam bộ lần thứ 2 tỉnh Sóc Trăng.

    Anh Thạch Chăm Rơn - Trưởng Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng nhận xét: “Diễn viên Thạch Đa Ra có phong cách biểu diễn rất có cá tính, đặc sắc, chịu khó đầu tư và học hỏi. Anh là một diễn viên trẻ tài năng và có triển vọng của Đoàn. Không chỉ thành công trong vai diễn mà Đa Ra còn học chơi các loại nhạc cụ, nhạc hiện đại nên dù là vai diễn hay chơi nhạc cụ anh đều biểu diễn rất thành công”.
Sóc Ca


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 45
  • Hôm nay: 3116
  • Trong tuần: 72,449
  • Tất cả: 11,866,476